Thừa Tác Viên Thánh Thể

Trích từ vietcatholic.net

46. Với tình trạng thiếu vắng Linh Mục như hiện nay tại một số quốc gia, thì liệu có nên thay thế giáo dân vào trong những trường hợp đặc biệt đó không?

Thưa, không có người giáo dân nào, kể cả các nam/nữ tu sĩ có thể thay thế chức vụ Tư Tế Linh Mục được. Nếu cộng đoàn đó thiếu vắng Linh Mục, thì giáo dân không thể nào tự động thực hiện vai trò của vị Linh Mục được (xem thêm Đoạn 146 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 900 Mục 1 có trong CIC).

47. Các thừa tác viên Thánh Thể có phải được gọi là "Ministers of the Eucharist" hay "Eucharistic Ministers" không?

Thưa, không.

Người giáo dân nào thực hiện việc phân phát Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn - sau khi đã được vị Linh Mục đào tạo và giáo huấn rất kỹ càng - được gọi là thừa tác viên Thánh Thể, hay tiếng Anh gọi là "extraordinary minister of the Holy Communion," chứ không phải là "special minister of Holy Communion," hay "extraordinary minister of the Eucharist."

Còn "Ministers of the Eucharist" hay "Eucharistic Ministers" (tức Thánh Chức Thánh Thể) chỉ được dùng cho các vị Linh Mục mà thôi - những vị "thực hiện việc Hy Tế của Phép Thánh Thể nhân danh Chúa Kitô, Vị Tư Tế Đích Thực và Duy Nhất của cả Giáo Hội" (xem thêm Đoạn 154 và 156 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 900 Mục 1 có trong CIC).

Suy cho cùng, cụm từ "Eucharistic Minister" chính là một cách định nghĩa không chính xác được dùng trong Giáo Hội, nhất là khi việc dùng đến những người giáo dân trong vai trò là các thừa tác viên Thánh Thể một cách lạm dụng và sai trái (xem thêm Mục Số 10 có trong Inaestimabile Donum).

48. Thế người giáo dân nào có thể trở thành thừa tác viên Thánh Thể? Có đúng là phải có một nghi lễ đặc biệt trong Phụng Vụ để công nhận những người giáo dân vào chức vị thừa tác viên Thánh Thể không?

Thưa, nói đúng ra, người giáo dân đó phải có sự cho phép của vị Giám Mục địa phận, rồi mới được phép trở thành thừa tác viên Thánh Thể. Và dĩ nhiên, người giáo dân đó phải có đời sống đạo và đức hạnh trỗi vượt mới xứng đáng trở thành thừa tác viên Thánh Thể. Việc bổ nhiệm hay chỉ định này của vị Giám Mục địa phận không cần phải được thực hiện dưới dạng của Phụng Vụ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, thì vị Linh Mục được phép để chỉ định ra ai xứng đáng trở thành thừa tác viên Thánh Thể (xem thêm Đoạn 155 của Redemptionis Sacramentum).

49. Thế các thừa tác viên Thánh Thể này được sử dụng đến khi nào? Tôi thấy thậm chí trong Thánh Lễ, có những vị Linh Mục cùng đồng tế, hay các vị Linh Mục Phó Xứ lại không ra cho giáo dân Rước Lễ mà để cho các thừa tác viên Thánh Thể này phân phát Mình Thánh Chúa, như vậy có đúng không?

Thưa, thừa tác viên Thánh Thể chỉ được dùng đến khi thiếu vắng các Linh Mục hay các Phó Tế để cho giáo dân Rước Lễ mà thôi.

Còn nếu các Linh Mục cùng đồng tế, hay các vị Linh Mục Phó Xứ có hiện diện, nhưng vì tuổi cao sức yếu hay tật bệnh, thì khi đó mới dùng đến thừa tác viên Thánh Thể. Còn ngược lại, thì không cần dùng đến các thừa tác viên Thánh Thể.

Còn những vị Linh Mục đồng tế, và các vị Linh Mục Phó Xứ có đó mà không đứng lên hay ra để cho giáo dân Rước Lễ, thì đó chính là hình thức phạm tội, vì chây lười, và coi thường Mình Thánh Chúa (xem thêm Đoạn 157-158 của Redemptionis Sacramentum).

50. Việc dùng đến các giáo dân trong vai trò là thừa tác viên Thánh Thể hiện đang phổ biến rất rộng trong Giáo Phận của tôi. Điều này có đúng không?

Thưa, hãy để cho chính các vị Giám Mục địa phận tự xem xét lại cách thực hành cẩu thả này, nhất là trong những năm gần đây, vì đây chính là một sự lạm dụng đang có tính lan tràn mạnh, thêm vào đó, theo sự chú ý và dõi theo của riêng người viết khi đi tham dự Thánh Lễ, người viết nhận thấy có không ít những vị thừa tác viên Thánh Thể này có đời sống đạo hạnh bất chính, tham dự Thánh Lễ trễ, hay nói chuyện trong Thánh Lễ, vân vân.. .thế mà vẫn dám tiến lên bàn thờ để thi hành nhiệm vụ thừa tác viên Thánh Thể của họ.

Vị Giám Mục địa phận trong trường hợp này phải đưa ra những chuẩn tắc đặc biệt để quy định xem trong cung cách nào mà chức năng thừa tác viên Thánh Thể được thi hành theo đúng với luật lệ và truyền thống lâu đời của Giáo Hội, vì việc cho giáo dân Rước Lễ là nhiệm vụ của các Linh Mục và Phó Tế mà thôi (xem thêm Đoạn 160 của Redemptionis Sacramentum) chứ không phải của các thừa tác viên Thánh Thể.

51. Tôi thường thấy có một số thừa tác viên Thánh Thể tự động cho phép mình Rước Lễ. Điều này có đúng không?

Thưa, điều này hoàn toàn sai trái.

Bất kỳ người giáo dân nào, trong bất kỳ vai trò nào, kể cả là nữ tu hay nam tu sĩ hay là thừa tác viên Thánh Thể, cũng đều không có quyền để tự cho phép mình Rước Lễ, hay tự động ngang nhiên tiến lên Bàn Thánh, lấy Mình và Máu Thánh Chúa ngay từ Chén Thánh, và Chén Rượu Thánh. Hành động này chính là sự xúc phạm trắng trợn đến Phép Thánh Thể, và người giáo dân nào làm việc này đều phạm Tội Trọng.

Chỉ có vị Linnh Mục chủ tế cùng các vị Linh Mục đồng tế mới có quyền làm điều này, và tất cả mọi người giáo dân đều phải đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa từ chính vị Linh Mục chủ tế đó (xem thêm Mục Số 9 có trong Inaestimabile Donum).

52. Nếu vị Linh Mục vắng mặt, thì tại giáo xứ của tôi thỉnh thoảng có một việc phụng tự khác thay thế vào những ngày Chủ Nhật do chính các vì trợ tá về mục vụ của Linh Mục đó trực tiếp hướng dẫn và chủ trì. Điều này có được phép không?

Thưa, điều cần thiết là nên tránh bất kỳ sự mơ hồ nào giữa kiểu quy tụ này và việc cử hành Phép Thánh Thể. Các vị Giám Mục địa phận phải hết sức cẩn thận để suy xét xem là có nên để cho Mình Thánh Chúa được phân phát trong những kiểu quy tụ như thế này không.

Việc quy tụ này không nên do một người giáo dân nào đó chủ trì và tự trực tiếp hướng dẫn, mà phải đợi cho đến khi có vị Linh Mục hay vị Phó Tế (xem thêm Đoạn 165 của Redemptionis Sacramentum).

53. Giáo xứ của tôi có phân phát Mình Thánh Chúa (communion services) vào những ngày thường nếu như vị Linh Mục đi vắng. Điều này có được phép không?

Thưa, đặc biệt nếu Mình Thánh Chúa được phân phát trong những dịp quy tụ như thế này, thì chỉ có vị Giám Mục giáo phận mới có đủ quyền hành để quyết định về chuyện này, và vị Giám Mục đó không nên cho phép việc này được xảy ra một cách quá dễ dàng như vậy, đặc biệt là vào Chủ Nhật trước đó đã có Thánh Lễ rồi. Các vị Linh Mục do đó được khẩn thiết yêu cầu là phải bằng mọi cách cử hành Thánh Lễ mỗi ngày cho giáo dân tại một trong những Nhà Thờ nào đó mà vị ấy có trách nhiệm coi sóc đàn chiên (xem thêm Đoạn 166 của Redemptionis Sacramentum).

54. Giáo xứ của tôi có một vị là cựu Linh Mục, người thỉnh thoảng đóng nhiều vai trò khác nhau trong Thánh Lễ, chẳng hạn như đọc các Bài Đọc. Một số người phân vân tự hỏi là liệu Ông này có thể cử hành Thánh Lễ hay lắng nghe giải tội không nếu như vị Linh Mục chính thức của giáo xứ vắng mặt. Thì Giáo Hội nói gì về điều này?

Thưa, "một vị vốn đã mất đi chức thánh theo đúng luật lệ của Giáo Hội thì hoàn toàn bị cấm khỏi việc thực thi quyền hạn Linh Mục của mình." Do đó, ông ta không được phép hành động như là một vị Linh Mục (Điều 1335 trong CIC).

Những người thuộc vào loại này không được phép giảng hay thực hiện việc cử hành Hy Tế Thánh cả (xem thêm Đoạn 168 của Redemptionis Sacramentum; và Đoạn 292 có trong CIC).

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nghĩa là một giáo dân trong cộng đoàn tự dưng lâm vào cảnh hấp hối, sắp qua đời, thì một vị cựu Linh Mục có thể cử hành các phép Bí Tích cho người sắp hấp hối đó. Và mặc dầu, Ông này không có đủ thẩm quyền để lắng nghe giải tội, nhưng Ông ta vẫn có thể tha thứ bất kỳ tội lỗi nào mà người sắp hấp hối đó phạm phải, thậm chí ngay cả khi có sự hiện diện của vị Linh Mục chính thức nữa (xem thêm Đoạn 976 có trong CIC).
© 2007-2022, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Metuchen, NJ. All Rights Reserved.