30/03/2014: HỘI THẢO VỀ GIA ĐÌNH: "SỐNG TÌNH NGHĨA GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRÊN ĐẤT HOA KỲ"
MỘT VÀI GỢI Ý ĐỂ DUY TRÌ VÀ TĂNG TRƯỞNG
CUỘC SỐNG TÌNH NGHĨA GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRÊN ĐẤT HOA KỲ
I. TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN:
- Chú ý đến người yêu và các nhu cầu của “người ấy.”
- Nuôi dưỡng lòng kính trọng đối với người yêu.
- Phát triển lòng tự trọng nơi chính mình.
- Luôn ý thức: hạnh phúc hôn nhân đến từ sự đóng góp liên tục của cả hai người.
Hạnh phúc ấy đòi hỏi thời gian (với nhiều thăng trầm thử thách, hân hoan)
và nghệ thuật duy trì lãng mạn tính đối với nhau.
- Chồng: quan tâm nhiều hơn đến tình cảm của vợ.
Vợ: để ý nhiều hơn đến công việc và lý tưởng của chồng.
- Đối với con cái: xác tín rằng hạnh phúc hôn nhân giữa hai vợ chồng là nền tảng vững chắc
cho hạnh phúc của cả gia đình, là quà tặng quý giá mà cha mẹ có thể trao ban cho
con cái mình.
II. TÌNH NGHĨA NƠI PHỤ HUYNH
A) Với con em từ 13 đến 19 tuổi: dùng TÌNH nhiều hơn LÝ, ngay cả khi con em cãi LÝ với mình.
- Ý thức rằng con em ta đang cố lớn lên như một người trưởng thành. Là phụ huynh ta cần và có quyền được con em kính trọng, song quyền hành cực đoan không mang lại sự kính trọng ấy. Do đó cần đối xử với con em ta như người trẻ đang trưởng thành, chứ không như “con nít” (đặc biệt nơi công cọng).
- Giới trẻ lớn dần đến tự lập, đừng bắt buộc con em phải luôn gần gũi với ta.
- Tập kiềm chế bản ngã của mình: nóng nảy, vội vã vô lý sẽ biến con cái thành “kẻ thù” đối với ta. Giữ thái độ trầm tĩnh với bất cứ giá nào.
- Mỗi đứa con cần có một tương quan đặc biệt với cha mẹ. Đừng đối xử với mọi đứa như nhau. Chớ trừng phạt con nhỏ vì lầm lỗi hay thất bại của anh chị nó.
- Để ý lưu tâm đến những gì con em thích. Không nên coi thường bất cứ một vấn đề nào liên hệ đến con em mình. Dành giờ cho chúng khi chúng cần đến ta.
- Tập nói và tỏ ra “Bố Mẹ yêu thương con.” Tập phân biệt “con người” và “hành động” của con em. (“Bố Mẹ không đồng ý việc con làm, song Bố Mẹ luôn yêu quý con.”)
- Tôn trọng “đời tư” của con em mình. Không nên đọc thư, nhật ký, lục lọi phòng riêng của chúng; trừ khi có lỗi phạm về Đức tin, Luân lý, danh dự gia đình, luật pháp quốc gia...
- Luôn cởi mở và giữ dây liên lạc với con em. Luôn luôn chấp nhận chúng; xua đuổi con em là điều tối kỵ trong vấn đề giáo dục.
- “Dạy” con là việc của cả Cha và Mẹ: gương sáng, nhất trí, phối hợp, dung hòa chứ không đối nghịch nhau trong cách đối xử với con em.
Người Cha: cung cấp lý tưởng, nguyên tắc, triết lý sống (LÝ)
Người Mẹ : cung cấp tình cảm, yêu thương, thông cảm, tha thứ, kiên nhẫn (TÌNH)
B) Với con em dưới 13 tuổi. Tập kỷ luật và lấy yêu thương làm kim chỉ nam cho lứa tuổi này.
- Quy định rõ ràng giới hạn (thời gian, không gian) của kỷ luật.
- Khi con em bướng bỉnh, thách đố, cần tự tin, xác quyết quyền làm Cha Mẹ của mình. Đừng phản ứng bằng khóc lóc, sợ hãi hay giận dữ quá đáng.
- Cần phân biệt giữa việc chủ ý chống cưỡng quyền bính Cha Mẹ và tính cẩu thả thường tình của trẻ con, nhất là ở tuổi dậy thì.
- Tránh những đòi hỏi quá đáng, quá sức, quá tuổi của chúng.
- Sau cuộc “chạm trán” nên trấn tĩnh an ủi và tỏ dấu tha thứ yêu thương ngay.
III. TÌNH NGHĨA NƠI CON EM ĐỐI VỚI PHỤ HUYNH
- Xác tín sự thật thứ nhất: Cha Mẹ sinh dưỡng ta.
- Xác tín sự thật thứ hai: các ngài yêu thương ta, dù ta không thích cách các ngài biểu lộ tình thương ấy.
- Xác tín sự thật thứ ba: tin tưởng và chấp nhận là con đường hai chiều.
- Xác tín sự thật thứ tư: sống dưới một mái nhà, ta là thành phần của gia đình, cùng có bổn phận lo cho hạnh phúc chung.
- Nhìn ta từ lăng kính và hoàn cảnh hiện tại của các ngài.
- Kính trọng phụ huynh bất cứ ở đâu: đây là bảo chứng việc con cái ta sẽ kính trọng lại mình mai ngày.
IV. 5 BƯỚC GIÚP GIẢI TỎA CÁC XUNG KHẮC VỀ NHU CẦU, GIÁ TRỊ, NIỀM TIN, HAY SỞ THÍCH KHÁC BIỆT CỦA NHAU
* Nghe sao cho người ta nói. Nói sao cho người ta nghe.
* Xác tín cả hai cùng cố gắng giải quyết một vấn đề giữa chúng ta,
chứ không phải: bạn chính là vấn đề.
- Lắng nghe quan điểm và tâm tình của người đối thoại. Không ngắt lời hoặc phẩm bình phải trái. Để ý đến cảm nghiệm tâm tưởng của chính mình khi nghe họ chia sẻ.
- Sau khi họ dứt lời: dùng lời riêng của mình tóm lược lại quan điểm ấy theo đúng ý họ.
- Mời gọi họ lắng nghe quan điểm của bạn. Chia sẻ cảm nhận, nhu cầu, và nhận xét hiện tại của mình; chỉ trình bày chứ không chủ ý thuyết phục. Dùng “I” statements.
- Xin họ tóm kết quan điểm của bạn theo đúng ý bạn. Luôn tỏ ra sự kính trọng khi lắng nghe họ, qua ngôn từ, giọng nói, cử điệu và nét mặt diễn tả của bạn.
- Cám ơn họ đã lắng nghe và chia sẻ. Cùng tìm những điểm tương đồng để hợp tác.
V. 10 NÉT CHẤM PHÁ CỦA MỘT GIA ĐÌNH VIỆT NAM LÀNH MẠNH
- Đối thoại giao cảm tâm tình.
- Khích lệ nâng đỡ nhau.
- Trọng kính, tin tưởng, chung thủy với nhau.
- Cởi mở, ngay thật, chia vui, sẻ buồn.
- Chia sẻ gánh vác trách nhiệm chung.
- Truyền đạt lý tưởng sống (Luân lý, đạo đức).
- Tạo dựng, bảo tồn truyền thống dân tộc, gia đình và tiếng Việt.
- Tôn trọng đời tư (coi nhau như trưởng thành).
- Phục vụ vô vị lợi.
- Tìm phương cứu giúp khi gặp bất trắc, xung đột lớn.
*** MỘT ÍT CÂU HỎI GIÚP CẢM NGHIỆM SUY TƯ ***
- Ngày cuối cùng mà mình với Cha Mẹ mình tâm sự, đùa giỡn với nhau là ngày nào? Tôi muốn thấy ngày đó sống lại không? Tôi sẽ làm gì?
- Lần cuối cùng tôi nói lời nâng đỡ Cha Mẹ, anh chị em, con cái, hay người thân nhất của tôi là lần nào?
- Lần cuối cùng bạn lắng nghe chính mình là lúc nào? Bạn cảm thấy gì và phản ứng ra sao?
- Lần cuối cùng bạn lắng nghe người thân nhất của bạn là lúc nào? Bạn cảm thấy gì và phản ứng ra sao?
- Lần cuối cùng bạn lắng nghe tiếng gọi của quê hương đất nước là lúc nào? Bạn cảm thấy gì và phản ứng ra sao?
- Lần cuối cùng bạn lắng nghe tiếngChúa là lúc nào? Bạn cảm thấy gì và phản ứng ra sao?
Cuộc sống con người đích thực liên kết ba tương quan căn bản đối với chính MÌNH, đối với THA NHÂN, và đối với THƯỢNG ĐẾ. Mà nói đến tương quan là nói đến ĐỐI THOẠI để đi đến GIAO CẢM: chấp nhận, tôn trọng, thông cảm, yêu thương – tha thứ, và nâng đỡ nhau hơn. Đối thoại gồm NÓI và NGHE. Không phải chỉ một người nói và một người nghe. Càng không phải cả hai cùng nói và chẳng ai nghe ai. Song cả hai cùng học cách nghe và nói. Lời nói sẽ không được đón nhận nếu người nghe không muốn nghe (như đổ nước vào một thùng đã đầy hoặc bít kín). Muốn NGHE THẤY, cần AN TĨNH NỘI TÂM và lòng muốn nghe lời giãi bày tâm sự của đối nhân. Để đạt đến An Tĩnh Nội Tâm, cần tạo THINH LẶNG cho chính mình, để nghe tiếng lòng của MÌNH, và nhờ quen như thế thì rồi cũng biết cách lắng nghe tiếng lòng của NHAU, của hồn thiêng ĐẤT NƯỚC, và của CHÚA.
---ooo0ooo---
Cầu chúc quý vị một cuộc sống tình nghĩa Việt Nam chan hòa hạnh phúc yêu thương trên đất khách quê người!
Để kính nhớ Mẹ Maria, mẫu gương tuyệt vời của Lắng Nghe và Xin Vâng (Lk 1:38; 2:19,51).
Lm. Joachim Lê Quang Hiền, Spokane WA. 3/2014.
|