10/02/2012: LÀM CHỨNG cho THIÊN CHÚA
CHƯƠNG TRÌNH HỌP NHÓM:
- Hát “Bài ca Hiệp Nhất” CNLT (cũ) 251
- Phút Hồi tâm
- Chia sẻ kinh nghiệm sống qua đề tài của những tháng trước: “Trái Tim của Chúa – Quả tim của Tôi”
- Chia sẻ đề tài tháng này: Làm Chứng cho Thiên Chúa
- Lời nguyện kết thúc: (xin cầu nguyện bộc phát theo tâm tình của mỗi người.)
- Hát “Chúa Chiên Lành” CNLT (cũ) 142
- Phần linh tinh của Trưởng Nhóm
ĐỌC LỜI CHÚA
Is 61, 1-2a. 10-11:
1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, 2 công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than…10 Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. 11 Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.
1Tx 5, 16-24: (16) Anh em hãy vui mừng luôn mãi (17) và cầu nguyện không ngừng. (18) Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (19) Anh em đừng dập tắt Thần Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.
TIN MỪNG: Ga 1, 6-8. 19-28
Lời chứng của Gioan Tẩy Giả
(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (19) Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: «Ông là ai?» (20) Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: «Tôi không phải là Đấng Kitô». (21) Họ lại hỏi ông: «Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?» Ông nói: «Không phải». «Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?» Ông đáp: «Không». (22) Họ liền nói với ông: «Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?» (23) Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. (24) Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. (25) Họ hỏi ông: «Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?» (26) Ông Gioan trả lời: «Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. (27) Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người». (28) Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.
BÀI ĐỌC:
Chủ đề của đoạn Tin Mừng trên là «làm chứng cho Thiên Chúa». Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương và là thầy dạy chúng ta về làm chứng. Ta thử tìm hiểu cách làm chứng của Gioan để áp dụng trong cuộc đời Kitô hữu và chứng nhân của ta.
1. «Ông đến để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng»
Gioan Tẩy Giả sinh ra và sống trong thế gian là để làm chứng. Trong các tòa án, người làm chứng phải là người chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra, và phải chịu trách nhiệm về lời chứng của mình. Nếu lời chứng bị phát hiện là gian dối, họ phải chịu một hình phạt của tòa án. Để lời chứng có giá trị, đôi khi người làm chứng phải thề để mọi người tin rằng điều mình nói là sự thật. Có những người sẵn sàng chấp nhận chịu những đau khổ khủng khiếp và cả cái chết để chứng tỏ lời chứng của mình là sự thật. Một lời chứng như thế thật đáng tin. Người làm chứng phải là người có kinh nghiệm thật sự về điều mình làm chứng: hoặc thấy tận mắt sự việc, hoặc cảm nghiệm được sự việc. Nếu mình làm chứng về một điều mình chỉ nghe nói, nghe thuật lại, thì lời chứng của mình kém hẳn giá trị. Vì thế, để là một người làm chứng cho Thiên Chúa, thì chính người ấy phải có kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, phải cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Ngài trong đời sống mình. Nếu mình chỉ học được một mớ lý thuyết thần học, chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hay Lời Chúa như một nhà khoa học nghiên cứu một bản văn, thì mình chưa đủ tư cách làm chứng. Nếu mình chỉ tin Thiên Chúa cách lý thuyết, chính mình chưa xác tín điều mình làm chứng, thì mình chẳng thể sống chết cho niềm tin ấy, lời chứng của mình sẽ chẳng mấy giá trị. Do đó, chỉ những ai có kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa mới có thể làm chứng cho Ngài một cách hợp tình hợp lý mà thôi. Mình chưa có kinh nghiệm mà đã làm chứng, nhất là làm chứng một cách quả quyết, thì lời chứng ấy đã vượt quá khả năng của mình. Chẳng khác gì một người chỉ nghe nói một sự việc mà đã quả quyết 100% là sự việc ấy có thật như thể mình chứng kiến sự việc ấy.Gioan đến để «làm chứng cho ánh sáng». Ánh sáng tượng trưng những gì tích cực, như chân lý, công lý, tình thương… Ngược với ánh sáng là tối tăm. Tối tăm tượng trưng những gì tiêu cực như gian dối, bất công, hận thù… Người của ánh sáng không thể làm chứng cho tối tăm, cũng không thể đồng lõa với tối tăm bằng sự bất động, không phản ứng gì trước những gian dối, bất công, hận thù… Im lặng bất động trong những trường hợp này không phải là tư cách của một người làm chứng đích thực. Để làm chứng, đôi khi phải chấp nhận trả giá. Không chấp nhận trả giá thì lời chứng của mình không đáng tin. Chấp nhận trả giá càng cao, lời chứng càng giá trị, càng đáng tin. Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ đã chấp nhận trả giá cho lời chứng của mình bằng cái chết. Chính vì thế, lời chứng của các ngài mới được thế giới tin theo.
2. Tinh thần xóa mình khi làm chứng
Bài Tin Mừng nói: «Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,8). Khi làm chứng cho ánh sáng, ông không tự đồng hóa mình với ánh sáng, không tự nhận mình là đại diện hay biểu trưng của ánh sáng, và cũng không lợi dụng ánh sáng để tìm vinh danh hay lợi lộc cho mình. Ông chỉ biết sứ mạng của mình là làm chứng cho ánh sáng thôi. Khi làm chứng, người ta tưởng ông là Đấng Kitô. Ông thành thật nói mình không phải. Người ta nghĩ ông là một ngôn sứ, nhưng ông không tự nghĩ mình là ngôn sứ, mặc dù đời sau coi ông là ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước. Như vậy, tuy ông thực hành vai trò ngôn sứ, nhưng ông không hề tự phong cho mình vinh dự ấy. Danh hiệu ngôn sứ là do người đời sau ban tặng cho ông. Ông hoàn toàn xóa mình, không tự coi mình là quan trọng, là một nhân vật cao cả. Ông chỉ tự xưng «là tiếng người hô trong hoang địa» (Ga 1,23), một người xem ra chẳng là gì cả, chẳng mấy ai quan tâm chú ý tới. Đối với Đức Giêsu, người mà ông làm chứng cho, ông luôn chủ trương: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Người làm chứng có chịu để cho mình nhỏ đi, thì người mình làm chứng mới lớn lên được!Còn chúng ta, khi làm việc cho Chúa, làm tông đồ, ta muốn được mọi người tôn vinh, ta thích tự đề cao mình, tự phong cho mình một chức vụ quan trọng, tự xưng là đại diện cho một nhân vật cao cả để mọi người trọng vọng ta. Ta muốn mọi người phải gọi ta bằng danh này hiệu nọ, nếu không được thì ta buồn bực, khó chịu… Đang khi đó, có thể ta chẳng làm chứng cho Thiên Chúa, cho ánh sáng, cho chân lý hay công lý được bao nhiêu, là vì ta muốn mình lớn lên nên Ngài phải nhỏ đi. Trước mặt Thiên Chúa, có khi ta chẳng hơn ai, nhưng ta muốn mọi người phải kính nể ta và dành nhiều ưu đãi cho ta, vì ta đang làm việc cho Thiên Chúa…
3. «Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết»
Gioan muốn làm chứng về «một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26). Rất có thể chính Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta, bên cạnh chúng ta… mà chúng ta không mấy khi ý thức được. Thật vậy, ít khi ta ý thức Ngài đang hiện diện trong chính bản thân ta. Do đó, sự hiện diện của Ngài trong ta trở nên thụ động tương tự như khi Ngài ngủ trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão tố (x. Mt 8,23-27). Vì thế, giữa cuộc đời bão tố, ta vẫn cảm thấy cô đơn, lo lắng, sợ hãi, tưởng như chẳng ai sẵn sàng cứu giúp ta, chẳng ai tiếp sức mạnh cho ta, khiến ta vẫn yếu đuối, khiếp nhược. Ta vẫn muốn chạy đến cầu khẩn, van xin một Thiên Chúa, một Đức Giêsu ở bên ngoài ta, ở xa ta, qua trung gian một ai đó. Vì thế, ta không nhận được sức mạnh từ một Thiên Chúa ở trong ta. Ngoài ra, Thiên Chúa còn hiện diện rất sống động bên cạnh ta, nơi những người đang sống quanh ta, nhưng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện ấy. Ta vẫn không hề cảm nhận được Thiên Chúa đang ở nơi họ, để đối xử với họ như những hiện thân cụ thể của Ngài.
Do đó, Thiên Chúa đối với ta dường như vẫn rất trừu tượng, vô hình, im lặng, vắng mặt, không sao cảm nhận được! Và lời chứng của ta về Thiên Chúa vẫn là lời chứng của một người chỉ biết Ngài cách lý thuyết, vì chỉ nghe người khác nói về Ngài. Nên lời chứng ấy không phải là lời chứng sống động, mạnh dạn và đầy thuyết phục về một Thiên Chúa mà đúng ra chính ta cảm nhận được cách rất cụ thể.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi con tự hào là chứng nhân của Cha, của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, con chưa có kinh nghiệm nhiều về Cha, về Đức Giêsu. Con chỉ biết và tin cách lý thuyết, sau khi đã học hỏi về Cha, về Đức Giêsu một vài năm. Thế là con đã cảm thấy mình có thể làm chứng về Cha, về Đức Giêsu cho mọi người, như một nhà chuyên môn làm chứng, hay một người làm chứng chuyên nghiệp. Nghĩ lại, nhiều khi con cảm thấy mình hợm hĩnh quá. Xin Cha giúp con cảm nghiệm đích thực về Cha, về Đức Giêsu sống động trong đời sống của con, để lời chứng của con trở nên giá trị hơn, đáng tin hơn.
(JK) Nguyễn Chính Kết.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Gioan đến để làm chứng. Bình thường, muốn làm chứng điều gì, thì điều quan trọng là gì? Một người chỉ nghe ai kể lại một sự kiện, thì có thế làm chứng cho sự kiện ấy không? Muốn làm chứng cho Thiên Chúa thì sao? Chỉ học hỏi hay nghiên cứu về Ngài thì có thể làm chứng về Ngài không?
2. Gioan làm chứng cho ai? Ông có tìm cách dựa vào thế của Đấng mình làm chứng để tìm vinh quang cho mình không? Ông tự xưng mình là gì?
3. Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà ta làm chứng, là người mà ta chỉ nghe nói tới, học hỏi và nghiên cứu, hay là một con người sống động, có quan hệ mật thiết và cụ thể với ta, đồng thời ảnh hưởng mãnh liệt trên đời sống ta?
21/10/2011: TRÁI TIM CỦA CHÚA - QUẢ TIM CỦA CON
TRÁI TIM CỦA CHÚA - QUẢ TIM CỦA CON
...25/02/2011: Chỉ Có Một Sự Cần
CHƯƠNG TRÌNH HỌP NHÓM:
- Hát “Sống trong niềm vui” CNLT 195
- Phút Hồi tâm
- Chia sẻ kinh nghiệm sống qua đề tài của những tháng trước
- Chia sẻ đề tài tháng này: Chỉ Có Một Sự Cần
- Lời nguyện kết thúc: (xin cầu nguyện bộc phát theo tâm tình của mỗi người.)
- Hát “Xin Vâng” CNLT 193
- Phần Linh tinh của Trưởng Nhóm
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Theo bạn câu "Thấy Chúa trong mọi sự ... và kết họp với Chúa trong tình yêu..." mang ý nghĩa gì?
2. Bí quyết của Mẹ Maria là "Lắng nghe và thi hành Lời Chúa" để kết hợp và tìm ra hạnh phúc thật.
Đâu là bí quyết để mưu tìm hạnh phúc của bạn?
3. Bạn có tìm được an vui và hạnh phúc khi dấn thân phục vụ tha nhân và CD không?
Nếu được xin chia sẽ những ưu tư, vướng mắc mà bạn đang gặp phải.
LỜI CHÚA
1/ St 18:1-10a: (2) Áp-ra-ham ngước mắt lên thì thấy chĩ ba người đứng gần ông, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy.
2/ Cl 1:24-28: Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn.
3/ TIN MỪNG: Lc 10:38-42
Đức Giê-su vào làng kia. Chĩ Mác-ta đón Người vào nhà. Chĩ người em là Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Chị Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Chúa đáp: Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà Ma-ri-a đã chọn và sẽ không bị lấy đi.
BÀI ĐỌC SUY NIỆM
Có một người giàu, của cải vật chất dư thừa nhưng không có chút hạnh phúc nào. Ông cầu xin Chúa cho ông được gặp thầy cao tay chỉ cho biết cách sống hạnh phúc. Rồi một hôm, trong khi cầu nguyện ông nghe như có tiếng nói trong lương tâm:
- Con hãy ra ngoài đường thì con sẽ gặp được người như con muốn, họ sẽ dậy
con cách sống hạnh phúc.
Ông thật vui mừng hân hoan ra đường và gặp ngay một người hành khất nghèo đói đau khổ, ăn mặc rách rưới. Chân thì chảy máu vì không có giầy dép. Ông vừa đi vừa liếc mắt nhìn người hành khất rồi nói:
- Xin Chúa cho anh ngày tốt lành.
Nói rồi ông tiếp tục bước đi, nhưng người hành khất thản nhiên đáp:
- Cám ơn lòng tốt của ông. Nhưng ngày nào tôi cũng thấy tốt lành hạnh phúc, không có ngày nào làm tôi chán nản thất vọng.
Câu nói của người hành khất làm ông nhà giầu ngạc nhiên quay trở lại năn nỉ:
- Này anh, tại sao anh nghèo khổ như thế này mà anh lại nói ngày nào anh cũng hạnh phúc. Anh hạnh phúc thật không? Nếu đúng như thế thì làm cách nào mà anh được hạnh phúc?
Người nghèo khiêm tốn đáp:
- Điều làm tôi hạnh phúc là tôi thấy Chúa trong mọi sự và tôi cám ơn tình thương Ngài trong mọi sự. Tôi châp nhận tất cả những gì Ngài muốn và cảm tạ Ngài. Tôi luôn tin Ngài yêu tôi không bỏ tôi, nên tôi an tâm và hạnh phúc.
Câu chuyện trên nói lên ý nghĩa chính của Lời Chúa hôm nay đó là nhận diện ra Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ và biết để tâm kết hợp với Chúa trong tình yêu. Đó là hạnh phúc thật.
Người nghèo trong câu chuyện cũng giống như Thánh Phanxicô khó nghèo và giống như Maria em Matta, tràn đầy hạnh phúc vì họ biết cách sống hạnh phúc. Họ là những người giống như Mẹ Maria, luôn ngợi khen Chúa trong mọi biến cố cuộc đời.
Mẹ chọn phần tốt nhất là yêu Chúa, nên Mẹ hạnh phúc và muôn thế hệ sẽ khen Mẹ hạnh phúc.
1) Mẹ chọn phần nhất nên hạnh phúc và chỉ biết ngợi khen:
Maria trong Phúc âm hôm nay ngồi im lặng để lắng nghe Chúa và yêu Ngài. Đó là phần quan trọng nhất Maria đã làm và đạt hạnh phúc. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa, là Mẹ của hạnh phúc. Mẹ luôn luôn và chỉ tìm để nghe hiểu và sống Lời Chúa, yêu Ngài trọn vẹn, Mẹ được muôn đời sẽ ngợi khen Mẹ diễm phúc.
Người hạnh phúc thật chỉ luôn ca ngợi và cảm tạ, không bao giờ phàn nàn trách móc. Càng phàn nàn và hay trách móc càng chứng tỏ con người bất hạnh không biết cách sống và biết thưởng thức cuộc đời.
2) Mẹ chọn phần nhất nên hạnh phúc và luôn biết chấp nhận.
Dù được chức cao trọng hơn mọi người nhưng Mẹ lại gặp những bất công hơn ai hết. Tuy thế Mẹ không bao giờ ghen tị với ai hay than trách người nào, nhưng luôn biết chấp nhận mọi hoàn cảnh. Càng hạnh phúc càng không biết ghen tị trách móc bao giờ. Càng bất hạnh càng ghen tị, rỉ tai dèm pha nói hành nói xấu tha nhân.
3) Mẹ chọn phần nhất nên hạnh phúc và trọng kính yêu thương mọi người.
Cuộc sống của Mẹ gặp biết bao nhiêu chuyện bất công người đời gây nên cho Mẹ cũng như Con Mẹ là Giêsu. Vì đã luôn chọn và chiếm được quan trọng nhất là tình yêu Chúa nên Mẹ không bao giờ biết giận ghét ai, kể cả những người ghen tị và tìm mọi cách làm hại Mẹ cũng như Chúa Con. Vì luôn tràn ngập hạnh phúc nên Mẹ chỉ biết thương yêu và tha thứ chứ không nguyền rủa và kết tội. Maria cũng biết noi gương Mẹ không khó chịu với Matta chê trách mình nhưng lặng thinh thông cảm với chị và vẫn yêu thương chị.
Lời Nguyện:
Lạy Mẹ, chúng con muốn đồng hành với Mẹ để được Mẹ dậy cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ, luôn chọn điều tốt nhất là lắng nghe thi hành Lời Chúa để trọn tình yêu Ngài, hầu chúng con cũng được hạnh phúc như Mẹ. Amen.
L.m. Joemarie Hoàng, CMC
19/11/2010: Lòng Biết Ơn
Chương Trình Họp Nhóm Dấn Thân - Tháng 11, 2010:
- Hát “Tâm Tình Hiến Dâng” CNLT 9
- Phút Hồi tâm
- Chia sẻ kinh nghiệm sống qua đề tài của những tháng trước
- Chia sẻ đề tài: LÒNG BIẾT ƠN
- Lời nguyện kết thúc: (xin mỗi người để ý đến một ơn lành hoặc món quà đặc biệt nào mà mình / gia đình đã nhận được trong những tháng năm vừa qua.)
- Hát “Cám Ơn Người” CNLT 11
Gợi Ý Chia Sẻ:
1. Tạ Ơn Thiên Chúa: Xin chia sẻ Ơn lành nào mà Bạn hằng tạ ơn Chúa mỗi ngày? Quà tặng / Ân sủng / Ơn lành nào Bạn quý trọng nhất hoặc coi đó là quan trọng hơn cả?
2. Tri Ân Giáo Hội: Bạn tri ân Giáo Hội điều gì, nhân vật nào?
3. Chúng ta cần làm gì hoặc nên sống như thế nào để Tạ Ơn Thiên Chúa và để Tri Ân Giáo Hội ?
4. Đền Ơn Cha Mẹ - Biết Ơn Người Bạn Đời - Cám Ơn Con Cái, Anh Chị Em: - Hoặc còn sống hay đã qua đời, Bạn muốn cám ơn Cha Mẹ điều gì mà Bạn hằng ấp ủ trong lòng? Bạn đã/đang/sẽ đền ơn Cha Mẹ như thế nào? - “Vợ Chồng ân tình nghĩa nặng”. Bạn muốn cám ơn người bạn đời điều gì nhất? - Xin chia sẻ một vài kỷ niệm đáng ghi nhớ nói lên lòng biết ơn, thảo kính cuả Con Cái, hoặc tình nghiã “một giọt máu đào hơn ao nước lã” của Anh Chị Em.
5. Biết Ơn Thầy Cô - Đền Ơn Bạn Bè - Cám Ơn Mọi Người: - “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: Thầy / Cô nào đã có nhiều ảnh hưởng trên Bạn mà Bạn luôn ghi khắc trong lòng? - “Giầu vì Bạn, sang vì Vợ”: Bạn có gì để chia sẻ hoặc cám ơn những người Bạn thân, những người Bạn cùng chung ý hướng, những người làm chung Sở, những người cùng chung bước trong cuộc đời?
6. Ngược với lòng biết ơn là sự vô ơn. Nếu có, xin chia sẻ một kinh nghiệm sống về việc đã nhận ơn mà quên không cám ơn, hoặc nhớ ơn nhưng không thể đền ơn, hoặc một kinh nghiệm đau lòng, chẳng hạn “làm ơn, mắc oán”. Làm sao để tránh bị mang tiếng là người vô ơn?
Bài Đọc Suy Niệm:
LÒNG BIẾT ƠN
Nguyễn Ngọc Thế, sj.
Nhớ lại thời ấu thơ, có lần một người quen của gia đình đến thăm và cho tôi một món quà, tôi mừng quá, cầm lấy và chạy vội đi mất. Mẹ tôi liền gọi lại và nói: « Con biết con cần phải làm gì khi con nhận được quà không? » Tôi sững người lại nhưng hiểu ý Mẹ, tôi liền khoanh tay lại và thưa với người cho quà: « Cháu cám ơn cô ». Sau đó, Mẹ đã nói với tôi rằng: « Con đừng quên rằng, ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước thì phải nhớ tới nguồn nghe con ». Đó là bài học về lòng biết ơn mà mẹ tôi đã dạy. Qua đó, tôi học được lòng biết ơn quan trọng như thế nào trong cuộc sống, và tấm lòng của người ban tặng lớn lao hơn món quà vật chất biết bao nhiêu.
Nếu lòng biết ơn thật quan trọng, thì sự vô ơn nguy hiểm như thế nào?
Thánh I-Nhã, một chàng hiệp sĩ được giáo dục trong một môi trường thượng lưu và sống rất quân tử, đã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ. Trong một bức thư đề ngày 18.3.1542 gởi một anh em trong dòng là Simon Rodigues, I-Nhã đã viết: « Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỡ tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa, là Chủ, và trước những tạo vật được dựng nên vì danh thánh vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự vô ơn là chính sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được. Sự vô ơn là nguyên do và là khởi đầu của tội lỗi và mọi điều tồi tệ. » Nhưng nguyên do nào dẫn đến sự vô ơn của con người?
Khi quan sát cuộc sống thực tế, có thể nhận ra một số điều « giết chết » lòng biết ơn:
- Điều thứ nhất là sự tự cao kiêu hãnh. Ai nghĩ rằng, tôi chỉ trở thành người thực sự, khi tự bản thân tôi làm hết mọi chuyện, mà không cần nhờ vả vào ai, và vì thế tôi không cần phải cám ơn ai, thì cuộc đời người đó sẽ không có hai từ “biết ơn”.
- Điều thứ hai là sự dĩ nhiên. Trong cuộc đời này mọi sự đều là dĩ nhiên: Dĩ nhiên là tôi phải được hưởng phúc lợi xã hội. Đương nhiên tôi được người khác chú ý. Dĩ nhiên là tôi cho đi thì tôi sẽ nhận laị được gì đó. Nếu mọi chuyện đều dĩ nhiên như vậy, thì lòng biết ơn sẽ « không còn chỗ trú ngụ ».
- Điều thứ ba là sự tình cờ. Nếu mọi sự đều là tình cờ thì đâu cần biết ơn ai. Vậy thử hỏi xem tôi sinh ra là do sự tình cờ hay do tình yêu của Cha Mẹ? Lúc này tôi được sống như là một Linh Mục cũng tình cờ sao? Rồi ánh sáng sưởi ấm cuộc đời tôi cũng tình cờ đến hay thế nào?
- Điều thứ bốn phá hủy lòng biết ơn là những đòi hỏi sai lầm và lòng tham vô đáy. Nếu tôi luôn tự nhủ với mình rằng: « Tôi có quyền được sở hữu tất cả và có quyền nhận được mọi sự một cách nhưng không », thì lòng biết ơn đang bị đẩy lui về phía sau, để nhường chỗ cho lòng tham lam vô đáy. Triết gia người Pháp Pascal Bruckner đã miêu tả con người như là một em bé « vĩ đại » có lòng tham lam không đáy và luôn đòi hỏi xã hội hết điều này đến điều khác. Nếu « em bé vĩ đại » không nhận được điều mình muốn để có cuộc sống sung sướng, thì em sẽ coi mọi người xung quanh là những người có lỗi với nó. Ngược với điều trên, Dieter Hildebrandt, một nghệ sỹ người Đức đã nói rằng "Thay vì cứ than van rằng chúng ta không nhận được tất cả những gì chúng ta muốn, thì tốt hơn chúng ta cần ý thức luôn sống biết ơn, vì may mà chúng ta không phải nhận những hậu quả của những hành động và thái độ xấu xa của chúng ta. »
Có lẽ chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Fjodor Michailowitsch Dostojewski đã mỉa mai rằng: « Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là: Con người là con vật hai chân vô ơn ». Câu định nghĩa này một cách nào không sai. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của Chúa Giê-su gặp gỡ mười người phong hủi. Khi thấy Chúa Giê-su đi vào một làng nọ, họ đã đón Ngài và đã xin Ngài chữa lành. Với tất cả lòng nhân từ Chúa Giê-su đồng ý chữa lành cho họ, và nói họ hãy lên đường đi trình diện với các tư tế. Khi đang ở trên đường, thì cả mười người thấy mình được khỏi, nhưng sau đó chỉ có một người quay lại cám ơn Chúa. Thấy thế, Chúa Giê-su đã lên tiếng: « Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa? »
Ngược với chín người vô ơn, người biết ơn duy nhất trở lại để gặp Chúa Giê-su và cám ơn Ngài. Lời cám ơn của anh ta kết hiệp với niềm vui sâu sa, và niềm vui đó thúc dục anh ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa. Theo François Bovon, nhà chú giải thánh kinh người Thụy Sĩ, thì thái độ của người biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào trong lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Vâng, niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa. Thực vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Vâng, mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như « mạnh khỏe » trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.
Khi ai luôn sống biết ơn, thì người đó cũng đang sống trong tương quan thân mật với mọi người. Người biết ơn luôn coi trọng người khác và quý những tương quan. Vâng, lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Qua nhịp cầu đó tôi đến với em, và chị đến với anh. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng sẻ chia. Và lòng biết ơn giúp cho đời người tránh được những ích kỷ chôn vùi con người trong một ốc đảo vắng bóng hai từ « cám ơn ». Hơn nữa, lòng biết ơn cũng đem lại sức mạnh cho người khác để xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ, như Albert Schweizer nói. Vì thế, một xã hội mà trong đó mọi người đều ý thức sống tinh thần biết ơn nhau, thì xã hội đó sẽ tốt đẹp biết chừng nào.
Ngoài ra, người biết ơn trong sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ quên rằng bây giờ tôi là ai và tất cả những gì tôi có hiện nay, đều do bởi ân sủng của Thiên Chúa, và nhờ sự nâng đỡ của Cha Mẹ và của nhiều anh chị em thân yêu khác. Và khi luôn ý thức sống trong sự biết ơn người khác, thì trong tâm hồn người đó bầu khí tươi vui của mùa hè vĩnh cửu luôn hiện diện, như thi sĩ người Hoa Kỳ Celia Layton Thaxter đã nói. Cũng thế, lòng biết ơn làm cho cả những người nghèo khổ nhất trở nên giàu có, như suy nghĩ của nhà giáo cũng là triết gia người Đức Andreas Tenzer.
Hơn nữa, lòng biết ơn luôn xuất phát từ chính sâu thẳm của tâm hồn. Nói cách khác, lòng biết ơn chính là trí nhớ của con tim. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel cũng thấu hiểu giá trị của lòng biết ơn khi ông nói rằng: « Lòng biết ơn là sự tỉnh thức của tâm hồn chống lại tất cả những thế lực có sức mạnh tàn phá. » Và khi tâm hồn càng tỉnh thức và trân trọng cuộc sống, thì hai chữ « cám ơn » không ngớt vang lên.
« Cám ơn » hai tiếng nói rất đơn sơ nhưng chứa đựng một sứ điệp rất cao quý. Sứ điệp của tình Chúa với tôi, của tình người với người, sứ điệp của lòng khiêm nhường và của sự tôn trọng. Chẳng phải là vô lý và vô nghĩa khi từ nhỏ cha mẹ đã dạy con mình hai tiếng cám ơn. Chúng ta thử mường tượng xem một đứa bé lớn lên trong một môi trường không có hai tiếng cám ơn, nơi đó lòng người không rung động trước những hành động cao cả, thì thử hỏi xem em bé đó sẽ trở thành một con người như thế nào? Hai tiếng cám ơn gắn liền với đời sống ấu thơ, nhưng hai từ này cũng gắn bó với người trưởng thành. Người ta có thể đánh giá một con người qua một điều, là người đó có biết cám ơn và có tỏ lộ lòng biết ơn hay không. Vì thế thật là đau đớn khi bị mắng là kẻ vô ơn, là "đồ ăn cháo đá bát". Và ngược lại cuộc sống đang đẹp sẽ càng đẹp hơn, khi con người mỗi ngày cất lên bài ca tạ ơn.
Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng: « Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Vâng, luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập. » Và David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách « Sự chú ý của con tim »: « Từ sáng tới tối, trong từng khoảng khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những món quà và hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta. » Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn.
« Cám ơn Cha Mẹ đã sinh tôi vào cuộc đời, đã nuôi nấng và bao bọc tôi? Cám ơn Anh Chị trong gia đình, các Thầy Cô Giáo, các Cha và các Sơ, Anh Em trong nhà Dòng, Cô Chú cùng biết bao người thân yêu đã đón nhận tôi, và đồng hành hướng dẫn cùng dạy dỗ tôi. Cám ơn những người Bạn tri kỷ
có mặt bên cạnh tôi, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với tôi cả niềm vui cũng như nỗi buồn. Cám ơn tất cả mọi người gần và xa đã cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể sống tinh thần dâng hiến và phục vụ.
Cũng xin cám ơn về bầu trời xanh đẹp đẽ, về tiếng hót thánh thót của chú chim trên cành cây xanh. Cám ơn vì hôm nay tôi có một cuộc sống thanh bình, một sức khỏe dồi dào và một cộng đoàn ấm cúng. Cám ơn về không khí trong lành và về vẻ đẹp tuyệt vời của những cành lá đang đổi màu trong mùa Thu. Cám ơn vì tôi có một đêm thật ngon giấc, vì tôi lại được bắt đầu một ngày mới, và vì tôi có một công việc để làm.
Cũng xin cám ơn vòng tay của người bạn thân sau những giờ phút tâm sự, về cái bắt tay nhân ái với chính người mà tôi mới tranh luận cách gắt gao. Lời cám ơn cũng xin được thốt lên, vì tôi được khỏe lại sau một cơn bệnh, và vì tôi được phép về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn sau thời gian dài phải xa quê. Và trên hết, lời cám ơn xin gởi đến Thượng Đế trên cao, Đấng mà tôi tin. Vâng, xin cám ơn Ngài về lòng nhân hậu của Ngài sẵn sàng tha thứ khi tôi lỡ lầm và về lời thật dịu êm của Ngài nói với tôi: « Trong đôi mắt Cha con thật là quý giá ».
Thực vậy, lòng biết ơn mang một giá trị cao quý. Thánh I-Nhã đánh giá rất cao lòng biết ơn, đến nỗi ngài đã đề nghị hồi tâm mỗi ngày hai lần, và mỗi lần khoảng mười lăm phút để nhìn lại đời sống của mình trong ngày. Điều đầu tiên cần làm trong những phút hồi tâm là xin Chúa giúp cho mình nhận ra tất cả những món quà và hồng ân mà mình nhận được trong ngày, và cũng xin giúp luôn ý thức biết ơn Chúa và mọi người về những món quà đó. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi ý thức để cám ơn một người ban tặng cho tôi món quà, thì giá trị món quà đó tăng lên gấp đôi, và tương quan tình yêu và tình thân của tôi với người đó sẽ được xây dựng và thăng tiến hơn. Tóm lại, qua những giây phút hồi tâm, cụ thể với sự ý thức sống biết ơn mỗi ngày, thánh I-Nhã giúp chúng ta xây dựng một cuộc sống sung mãn trong tương quan với người thân, với anh chị em, với bạn bè xung quanh, với cả thiên nhiên, và đặc biệt với Thiên Chúa là tình yêu.
Kết thúc bài chia sẻ này, xin mời mọi người cùng với tôi, mỗi buổi tối trước khi đi nghỉ đêm, giành vài phút để cám ơn Chúa và anh chị em, để sống tinh thần « ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước thì phải nhớ tới nguồn » của dân nước Việt. Cụ thể, trong thinh lặng giơ đôi bàn tay của mình ra và thử hỏi xem hôm nay tôi đã nhận được những món quà và hồng ân gì? Sau đó đưa đôi bàn tay của mình úp chéo vào ngực, cúi đầu và với tất cả lòng thành cám ơn Chúa và anh chị em cùng mọi người, về tất cả những món quà và hồng ân trong ngày sống vừa qua.
Lạy Chúa,
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của con tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều đầu tiên con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài.
Amen.23/07/2010: Họp Nhóm Đồng Hành - Con Cần Chúa
Cùng nhau học hỏi bài suy niệm CON CẦN
CHÚA của Lm Nguyễn Tầm Thường
Chương trình:
7:30PM
Mở đầu
Hát bài Xin Chúa Thánh Thần (CNLT cũ trang 138)
7:35PM
Phút hồi tâm
7:45PM
Chia sẽ kinh nghiệm sống Lời Chúa trong những
tháng qua
8:10PM Cùng nhau
học hỏi và chia sẽ bài suy niệm: CON CẦN CHÚA của
Lm Nguyễn Tầm Thường
9:30PM Cầu
nguyện chung
10:00PM
Hát bài Xin Dạy Con Yêu Ngài (CNLT cũ
trang 140)
Kết thúc
Câu hỏi gợi ý
1. Tâm tình và thái độ nào mà chúng ta có
đối với Chúa:
- khi tham dự thánh lễ?
- khi phục vụ các nhóm, ban ngành, CĐ?
2. Tâm tình và thái độ của chúng ta
đối với nhau khi có mâu thuẩn trong các sinh hoạt
của CĐ?
3. Chia sẽ theo gợi
ý riêng của các anh chị (nếu có)
CON CẦN CHÚA
Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Tôi chối từ Thiên Chúa,
Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần tôi chứng
minh có Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng không cần kẻ
khác chứng minh cho tôi biết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì không cần chứng
minh.
Như mặt trời không cần ai chứng
minh về ánh sáng cho người mù.
Như người dưới căn hầm,
mặt trời không hiện diện với đôi mắt ấy
mà thôi, mặt trời vẫn hiện diện với vũ
trụ.
Từ đó,
Lạy Thượng Đế, xin cho con biết
kêu lên: Con biết con cần Ngài.
* * *
Trong các kinh Tiền Tụng của thánh lễ,
lời Tiền Tụng Chung IV là kinh rất ít khi giáo dân nghe
linh mục đọc. Hầu hết các thánh lễ chỉ dùng Kinh Tạ
Ơn II. Lời Tiền Tụng Chung IV đọc như
sau:
Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng
hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi
lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho
chúng con.
Thật ra,
Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn
Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời
ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu
độ muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa
chúng con. Vì thế hiệp với các thiên thần và các thánh
chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển, và đồng
thanh tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Chí Thánh.
Qua lời Kinh Tiền Tụng
này, Giáo Hội chỉ rõ cho ta biết bản chất Thiên
Chúa như thế nào.
Một thần linh là Thượng
Đế thì không cần tiếng ca tụng của người
phàm. Vì là Thượng
Đế nên lời ca tụng của phàm nhân chúng ta chẳng
thêm gì cho Ngài.
Trong ngôn ngữ con người, chúng ta hay
nói, hãy ca tụng Chúa để Thiên Chúa được vinh
danh, là lời nói có thể làm hiểu sai lạc về bản
chất Thiên Chúa. Chính Sách Lễ Roma của
Giáo Hội đã xác định như trên.
Vậy chúng ta chỉ còn một cách hiểu
chính xác theo Sách Lễ Roma là:
Được tạ ơn Chúa là hồng
ân cao cả cho chính tôi.
Lời ca tụng của chúng
tôi không thêm gì cho Chúa,
nhưng đem lại cho chúng tôi ơn cứu
độ.
Từ Lời Tiền Tụng trên, chúng ta
hãy xin cho mình lời nguyện là:
- Lạy Thượng Đế, con biết
con cần Ngài.
Nhiều người nghĩ rằng mình làm
“vinh danh” Chúa bằng lời ca tụng của mình, nên khi bất
mãn với Giáo Hội thì ngừng ca tụng Chúa.
Có người nghĩ rằng
Chúa cần mình, nên khi “bất mãn” với Chúa thì không ca tụng
để Thiên Chúa bị thiệt thòi.
Có ai cứ nhắm mắt lại để
mặt trời bớt ánh sáng không.
Có ai xuống hầm tối
cho mặt trời thiệt thòi không.
Khi chúng ta hiểu rõ lời ca
tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng lại thêm
cho chính mình. Khi chúng ta hiểu rằng
Thiên Chúa không cần ai ca tụng, nhưng ca tụng Chúa lại
là hồng ân cho chính mình thì chúng ta phải
nghiêm chỉnh đặt vấn đề về những
lời ca tụng của chúng ta.
Thái độ thứ nhất: Ao ước
được ca tụng.
Lạy Chúa từ bi và nhân hậu,
Người thanh niên giàu có trong Phúc Âm đến
hỏi Chúa đâu là con đường siêu thoát. Chúa cho anh ta một hồng ân là đến theo Chúa. Anh không muốn từ
chối. Nhưng lòng anh quá nặng nề,
sau cùng anh cúi mặt bước đi buồn rầu.
Rất tội nghiệp cho anh. Tại
sao Chúa không năn nỉ anh? Hình ảnh
siêu bạo ở đây là Chúa không năn
nỉ. Phải chăng vì theo Chúa là một
hồng ân đem lại ơn cứu độ cho chính anh.
Hôm nay, rất nhiều cha mẹ phải
“năn nỉ” con cái đi lễ. Rất
nhiều linh mục “năn nỉ” giáo dân đến nhà thờ.
Trong các thánh lễ, có rất nhiều thứ
“năn nỉ”. Năn nỉ đóng tiền.
Năn nỉ làm việc tông đồ. Bởi đâu, lạy Chúa, chúng con có những não trạng
như thế. Phải chăng chúng con đã không hiểu
rằng những lời ca tụng kia là
cần thiết cho chính chúng con.
Thái độ thứ hai: Khiêm tốn
trong lời ca tụng.
Vì Chúa là thần linh không cần
lời ca tụng của phàm nhân, nên con phải xin Chúa cho
con được ca tụng. Lời của phàm nhân tội lỗi, tâm trí phàm
nhân u mê, sao chúng con dám ca tụng thần linh. Bởi đó, được ca tụng Chúa là hồng
ân, nên chúng con phải khiêm tốn trong mọi công việc
tông đồ. Biết đâu có linh mục
hôm nay rất tự hào về những công trình của mình.
Từ đó, cũng biết đâu, nhiều
tín hữu thấy mình quan trọng trong lời ca tụng,
và việc dâng cúng. Tất cả chúng con đều lầm
lẫn. Xin Chúa từ bi và nhân hậu thương xót chúng
con.
Thái độ thứ ba: Chờ đợi
được ca tụng.
Lạy Chúa từ bi và nhân hậu,
Vì lời ca tụng Chúa mang ơn cứu cho
chính chúng con, nên chúng con phải khiêm tốn, ao ước và
chờ đợi được ca tụng. Nhiều lần
trong Phúc Âm, Chúa gọi các môn đệ theo
Chúa. Chúa truyền cho các ông làm việc này, việc kia. Đấy là hồng ơn
cao cả chứ không phải Chúa thiếu thốn. Cái
thiếu thốn của chúng con là thiếu Chúa. Cái nghèo của
chúng con là không được Chúa sai đi. Khi
hiểu thế, chúng con phải hạnh phúc biết bao khi
được Chúa kêu mời.
Lạy Chúa từ bi nhân hậu,
Xin cho con biết lắng nghe Chúa sai bảo
thật tha thiết, chờ đợi như kẻ cắp
rình mồi. Vì con nghèo lắm nếu
Chúa không sai con đi. Nếu không được ca tụng
Chúa con lấy đâu hồng ân cho hạnh
phúc của con.
Bạn thân mến,
Công việc mục vụ của tôi là
đi giúp tĩnh tâm. Có người hỏi tôi, Phúc Âm thì lần nào đọc
cũng giống nhau. Đọc mãi Cha có
chán không.
Lời Phúc Âm chỉ có vậy,
nhưng tùy cách nghe mà lời đó khác.
Một lần kia, vì lối
nói của tôi, phút đầu khai mạc làm một người
bất mãn. Họ không muốn đi tĩnh
tâm.
Nhưng
vì bị “năn nỉ” quá, sau cùng có mặt trong cuối tuần
linh thao. Một
cuối tuần đến retreat house – nhà tĩnh tâm như
thế, ít ra cũng hết một trăm năm mươi
đô la một đầu người. Hầu
hết những người ngại đi tĩnh tâm là
không có thời giờ, và tiếc tiền. Hầu hết
cha mẹ nói với con cái, linh mục nói với giáo dân là
“hy sinh” dâng cho Chúa một cuối tuần tĩnh tâm để
ca tụng Chúa. Đối với tôi đấy
không phải là hy sinh. Hy sinh là chịu thiệt
về mình cho người khác phần lợi. Vì cách nói của tôi làm họ bực bội.
- Thưa Cha, nếu không hy sinh, con không đến đây chiều nay được.
Còn biết bao công việc ở nhà nếu
không hy sinh làm sao bỏ được.
Họ bực với tôi, bực
luôn với những ai đã “năn nỉ” họ đi. Tôi không ngờ buổi tối khai
mạc mà bầu khí không êm ả chút nào, tôi cố gắng
đưa mọi người vào giờ kinh tối, rồi
đi ngủ. Qua một ngày thinh lặng, tối hôm
sau, trước giờ kinh tối:
- Thưa cha, con xin có đôi lời.
Người này cất tiếng. Rồi tiếp:
- Tôi xin lỗi anh chị em những gì tôi
nói tối qua. Sau một ngày thinh lặng, tôi
thấy có một cái gì đang xảy ra nơi tâm hồn
tôi. Tôi chưa có bình an, chưa thấy
Chúa đâu, nhưng có một chút gì đó làm tôi suy nghĩ.
Nhìn bóng đèn trên trần nhà. Tâm sự với mọi người:
- Có tôi hay không, thì chiều nay bóng đèn này
vẫn sáng. Đâu phải thiếu tôi mà bóng đèn bớt
sáng đâu.
Rồi quay nhìn ra sân tối:
- Tôi cũng xin lỗi những ai tôi xúc phạm,
những ai đã khuyến khích tôi đi khóa linh thao này. Nếu tôi bỏ lò sưởi ra sân đứng
thì tôi lạnh, chứ đâu phải thiếu tôi, tôi làm cho
lò sưởi bớt sức nóng đâu. Thiên
Chúa là như vậy. Tôi đến thì tôi
ấm, tôi xa Ngài, tôi lạnh, Thiên Chúa cho tôi sức ấm chứ
tôi làm sao cho Ngài thêm lửa nóng được.
Bạn thân mến,
Sau cùng, người này đã có những ngày
tĩnh tâm – nghỉ ngơi với Chúa rất đẹp.
Chớ gì chúng ta hiểu rõ và thưa với
Chúa: Lạy Chúa, con biết con cần Chúa.
Riêng với bạn đang
đọc dòng này, không cùng tôn giáo với tôi. Tôi cầu chúc bạn hãy nói:
- Lạy Thượng Đế, lạy Trời
Phật, con biết con cần Ngài.
Bởi, đó là con đường
đi rất đẹp của một phàm nhân.
NGUYỄN TẦM THƯỜNG
Trích tập suy niệm ĐƯỜNG
ĐI MỘT MÌNH
08/01/2010: Họp Nhóm Đồng Hành - Tiếng Gọi từ Bên Trong
Khai mạc: 7:30pm
Đặt Mình Thánh Chúa trong nhà tạm
Lần Chuỗi “Lòng Thương Xót Chúa”
Chia sẻ kinh nghiệm sống đạo những
ngày tháng qua: 7:45pm
Chọn một sự kiện, hay một câu nói, một
hình ảnh đã ảnh hưởng tới sư suy
nghĩ, cách xử
thế hay đã thúc đẩy để làm một
việc nào đó.
1. Đề
tài hôm nay: “Tiếng Gọi từ Bên Trong!”: 8:00pm
Vào dạo tháng 12 năm 1987, Ðức Hồng Y Jean
Marie Lustiger, đương kiêm Tổng Giám Mục Paris, Pháp
Quốc, đã cho xuất bản một quyển sách mang tựa
đề " Sự chọn lựa của Thiên Chúa".
Qua tựa đề này, ai cũng đoán được
đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc
hành trình Ðức Tin của ngài. Sinh ra trong một gia đình
Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbi uyên
thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Ðức
Tin Công Giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của
Jean Marie dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của
gia đình, nhất là mẹ cậu. Trước khi bị
đưa lên xe chở đi qua trại tập trung Ðức
Quốc Xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: "Các con
hãy giữ mình, chớ theo đạo Công Giáo. Ðây là một
cơn bệnh hiểm nghèo". Nhưng tiếng Chúa còn mạnh
hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Cũng
giống như thi sĩ Paul Claudel khi ngắm nhìn ánh nến
lung linh trên bàn thờ, bỗng nhận ra tiếng gọi của
Chúa, Jean Marie Lustiger cũng đã nghe được tiếng
gọi thầm kín ấy một ngày thứ năm tuần
thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính tòa
Orleáns. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ.
Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng
trống vắng... Nhưng chính trong nỗi trống vắng
của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger
đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Theo đuổi nghiệp binh đao để xây
dựng sự nghiệp công danh, nhưng nghiệp không thành
danh không toại, ba năm thầm lặng giữa những
bức tường câm ním của nhà tù, Francis d’Assisi cảm
thấy nồi trống vắng hụt hẫng. Ra khỏi
tù, về với gia đình, Francis được cha mẹ
giúp phục hồi sức khoẻ thể lý, nhưng tâm
linh Francis vẫn ngổn ngang vô định. Francis đang
trải qua “đêm đen” của tuổi đôi
mươi: tìm lại chính mình. Đã về nhà cha, nhưng
vẫn lạc lõng; làm việc với cha nhưng vẫn
lãng đãng xa xôi; ngồi với bạn bè nhưng như
người “mất hồn”trong một khoảng trống
thăm thẳm nào đó, họ cho rằng anh đang bị
“tiếng gọi tình yêu” hành hạ. Với Francis, có một
“tiếng gọi” khi xuất hiện trong mơ, khi chợt
đến trong viễn ảnh mông lung của ứng, “tiếng
gọi” khi gần khi xa, khi cấp bách khi hờ hững,
khi tưởng là vậy mà không phải vậy.
Thế rồi người cùi, đúng vậy,
người cùi đã dứt khoát đổi đời
Francis. Thời đó, người cùi phải sống tách biệt
mọi người. Họ phải vừa đi vừa
rung chuông để những người khác biết để
đừng tới gần. Francis cũng như bất cứ
ai khác rất kinh sợ những người cùi lở này.
Ngày nọ khi Francis đang thả bộ trên lưng ngựa
trong cánh đồng ngoài thành Asssisi, bỗng một người
cùi xuất hiện. Francis giật mình kinh hãi, nôn mửa
trước một than hình sần sùi dị dạng, ghì
cương ngựa, định thúc chân tháo chạy.
Nhưng có một lự nào đó, một bàn tay nào đó
đặt lên vai, có một sự mời gọi nào đó
nhủ Francis đừng làm như vậy… Francis chậm
rãi xuống khỏi lưng ngựa, nhẹ nhàng bước
tới người cùi. Một cử chỉ làm rung động
cả hai: Francis ôm lấy tay người cùi và từ tốn
hôn lên đó…
Từ cái hôn ngoài sức tưởng tượng
đó, Francis khuất phục sự sợ hãi của mình,
và từ cái hôn đó Francis nhận ra tiếng Chúa gọi
trong đời mình, và đã đáp trả lời mời gọi
cách rất can đảm và quảng đại.
Nói như thi sĩ Paul Claudel, Thiên Chúa viết bằng
những đường cong.
Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng
viết để ngỏ với mỗi người chính
là cuộc sống hằng ngày. Mỗi một biến cố
xảy đến, mỗi một cuộc gặp gỡ là
một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của
những biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với
mỗi người. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng
thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên
Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một
buổi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh
như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong cái
hôn đổi đời cuả Francis d’Assisi, trong niềm
vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong
đau khổ của bệnh tật, mất mát: tiếng
nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
2. Chia sẻ:
Một vài góp ý:
·
Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày,
và “tiếng Chúa gọi” nhiều khi bị lấn lướt
từ những mời gọi từ muôn phía. Làm cách nào
để nhận ra và đáp trả “Tiếng Chúa”?
·
Trong cuốn “Chứng Từ của một Giám
Muc”nói về sự bình dân của các linh mục, cố Giám
Mục Lê Đắc Trọng đặt câu hỏi và tự
trả lời như sau: “Cử chỉ bình dân đó ảnh
hưởng lớn đối với tôi. Ảnh hưởng
bao lâu? Suốt đời. Sự kiện nào, hay một hoàn
cảnh nào, hay một cử chỉ nào đã thay đổi
đời tôi và vẩn còn đang tác động?
·
Hiện tại Chúa muốn tôi làm gì?
3. Cầu nguyện kết thúc: 9:00pm
”Hôm nay nếu các bạn
nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng
lòng” Dt.3,7
28/08/2009: Họp Nhóm Đồng Hành - Ước Mơ
21/11/2008: Họp Nhóm Đồng Hành - Lòng Thương xót của Chúa - Lễ Tạ Ơn
24/10/2008: Họp Nhóm Đồng Hành Hàng Tháng tại nhà anh chị Linh-Oanh
Lần đầu tiên họp chung nhóm Dấn Thân và nhóm Dấu Chân (Freehold) với đề tài Rao Giảng Tin Mừng (Truyền Giáo)...
26/09/2008: Họp Nhóm Đồng Hành Hàng Tháng tại nhà anh chị Hoạt-Thanh
Qua đề tài "Sự Sợ Hãi" -
Những gì làm tôi thường sợ hãi và đâu là nguyên nhân
sâu xa đưa tới những sự sợ hãi này?...
30/05/2008: Họp Nhóm Hàng Tháng tại nhà anh chị Tài-Hương
Đề tài: "Lòng Thương Xót Chúa" 02/05/2008: Họp Nhóm Hàng Tháng tại nhà anh chị Tuấn-Vân
Chia sẻ đề tài "Hạnh
Phúc Làm Cha Mẹ"...
04/04/2008: Họp Nhóm Hàng Tháng tại nhà anh chị Diệp-Tuyết
Đề tài "Tương quan"...
29/06/2007: Họp Nhóm Hàng Tháng tại nhà anh chị Nguyên-Oanh
Chia sẻ ý-nghĩ/cảm-nghiệm về "Tình Cha"...
LÀM CHỨNG CHO THIÊN CHÚA
|